Màu sắc có vai trò như thế nào trong nhận diện thương hiệu?
Những tông màu sắc có thể chuyển tải cảm xúc nhanh hơn so với từ ngữ. Vậy nên mối quan hệ giữa màu sắc và nhận diện thương hiệu cần được hiểu rõ để ứng dụng hiệu quả. Khi đó, màu sắc sẽ trở thành một yếu tố quan trọng cho bất kỳ bộ công cụ xây dựng thương hiệu nào.
Màu sắc tác động tâm lý khách hàng
Theo June Mcleod, tác giả quyển Colour Psychology Today có đề cập: “một trong những tài sản lớn nhất và cũng là cách dễ nhất để làm cho người tiêu dùng rung động hoặc xa lánh một thương hiệu, chính là qua màu sắc”
Quả thực, khi gắn liền với một màu đặc biệt nào đó đặc trưng, thương hiệu sẽ có cơ hội lớn hơn để được nhận biết và nhớ đến. Có những sắc màu như màu cam, màu vàng sẽ khiến khách hàng liên tưởng đến đồ ăn. Các sắc thái màu ngọc lam độc đáo thường dùng trong các sản phẩm cao cấp vì nó khiến khách hàng liên tưởng đến những món đồ xa xỉ.
Màu sắc là một khía cạnh trong xây dựng thương hiệu nhưng không nên bỏ qua tầm quan trọng của nó vì màu sắc có khả năng phát đi ngay lập tức những thông điệp và ý nghĩa của một thương hiệu.
Sắc màu truyền đạt cảm hứng
Nhà sản xuất xe hơi Honda mới đây đã ứng dụng vai trò truyền cảm hứng của màu sắc trong nhận diện thương hiệu khi hợp tác với một đơn vị tư vấn về trải nghiệm khách hàng dựa trên tâm lý, khoa học thần kinh và kinh tế hành vi để tiến hành một thực nghiệm về ảnh hưởng của màu sắc tại nơi trưng bày, bán sản phẩm. Họ so sánh chất lượng hành vi giao dịch trong một showroom bình thường và trong một chiếc lồng màu xanh da trời được thiết kế đặc biệt.
Theo đó thì những bức tường màu xanh da trời khiến chokhách hàng bình tĩnh hơn cũng có nghĩa là họ thấy thoải mái hơn khi trao đổi với người bán hàng. Kết quả là các cuộc giao dịch trong phòng màu xanh đặc biệt kia mang lại giá trị sinh lợi cao hơn 35% so với khi giao dịch diễn ra trong môi trường bình thường.
Điều này cho thấy, màu sắc có khả năng tác động cảm xúc và truyền cảm hững cho việc nhận diện thương hiệu tới khách hàng.
Màu sắc trong thiết kế được cải tiến phong phú
Một ví dụ dễ thấy nhất là thương hiệu dụng cụ nhà bếp Le Creuset đã vận dụng màu sắc làm nên khác biệt. Kho màu sản phẩm của họ hiện có gần 100 màu. Những sáng tạo và cải tiến liên tục về màu sắc cho phép làm mới bảng màu và tạo ra sự mới mẻ cho thương hiệu. Như vậy thì sản phẩm sẽ không bị lỗi thời khi mà xã hội và các xu hướng màu sắc liên tục phát triển.
Mỗi năm sản phẩm của Le Creuset có hai chiến dịch quảng bá: thu đông và xuân hè, được xây dựng dựa trên xu hướng về màu sắc, xu hướng thực phẩm và lối sống. Cách tiếp cận này khiến cho thương hiệu tận dụng thế mạnh về màu sắc và tạo nên giá trị lớn cho sản phẩm.
Có thể nói, một khi màu sắc được vận dụng một cách cẩn thận, tinh tế và chăm chút thì hoàn toàn trở thành một vũ khí mạnh để giúp thương hiệu bán được sản phẩm tới khách hàng. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một cơ hội để tạo ấn tượng đầu tiên và màu sắc đóng vai trò quan trọng để thu hút sự chú ý đó.