4 cách đưa ra mức giá bán hợp lý cho shop quần áo

 Bạn đang chuẩn bị mở shop quần áo mà chưa biết định giá sản phẩm như thế nào cho hợp lý. Chủ đề hôm nay, Vnilog sẽ gợi ý cho bạn một số cách định giá cho mặt hàng thời trang để công việc kinh doanh được thuận lợi, thu hút được nhiều khách hàng, tạo ra ưu thế cạnh tranh với đối thủ mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận.




1. Định giá theo mức giá MSRP

Trước tiên, cần hiểu mức giá MSRP là gì.

MSRP là viết tắt của Manufacturer’s Suggested Retail Price, nó là mức giá bán được phía nhà cung cấp đề xuất cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ khi bán sản phẩm của họ cho người tiêu dùng. 

Các MSRP cũng được gọi là giá niêm yết của nhiều nhà bán lẻ và bạn phải tuân thủ thực hiện bán hàng với mức giá đó.

Mức giá này thường gặp khi bạn hợp tác với các nhãn hàng lớn như May Nhà Bè, Việt Tiến, Sunfly....

Ví dụ: Bạn nhập chiếc áo từ xưởng A với giá 200.000đ, xưởng A đề xuất giá bán lẻ là 350.000-400.000đ. Như vậy, giá bán chiếc áo ra thị trường từ shop của bạn dao động từ 350.000-400.000đ.

Mục đích của việc sử dụng mức giá này là nhằm bình ổn thị trường, hạn chế tối đa tình trạng bán phá giá.


2. Định giá theo chiến lược giá riêng của cửa hàng

Nếu không phải cửa hàng nhượng quyền từ các thương hiệu lớn, đa phần các shop quần áo thời trang lựa chọn định giá sản phẩm theo chiến lược kinh doanh riêng của mình, tùy vào chất lượng sản phẩm, loại khách hàng hướng tới hoặc giá vốn bỏ ra...

Ở phương pháp này, người ta quan tâm tới chỉ số Markup. Markup là tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận trên chi phí để xác định giá bán. Tỷ lệ markup thông thường dao động từ 25-60%, phổ biến nhất là 50%.

Khi đó, giá bán lẻ sẽ là:

Giá bán lẻ= {(giá nhập): (100 - %markup)} x 100

Ví dụ, một chiếc áo có giá nhập là 100.000đ, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận là 50% sẽ có giá bán lẻ là: 

{100 :  (100 - 50)} x 100 = 200.000đ

3. Định giá theo phương pháp cộng thêm mức lợi nhuận mong muốn.

Phương pháp này dễ thấy ở các tiểu thương, buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ. Mức lợi nhuận thường được điều chỉnh theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và nguồn hàng cung cấp.

Chính vì vậy mà trước đây mới xảy ra tình trạng chặt chém, nâng giá cao ngất ngưởng tại một số khu chợ. Hành vi mặc cả lên xuống ủa người tiêu dùng là tình trạng thường thấy ở đây.

Nếu bạn sử dụng cách tính giá bán lẻ quần áo này thì mức giá bán nên được cân nhắc hợp lý để vừa dễ bán hàng, vừa có đủ lợi nhuận, tránh việc khách đến và không bao giờ quay lại nữa.

Cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đưa ra mức giá hợp lý

4. Định giá hòa vốn hoặc lỗ vốn nhằm thu hút khách hàng

Đây là chiến lược của nhiều shop quần áo khi muốn tăng sự tương tác của khách hàng. 

Người bán sẽ đưa ra mức giá hòa hoặc thậm chí lỗ so với giá nhập nhằm thu hút, lôi kéo khách hàng. Hoạt động này thường diễn ra vào dịp khai trương, các sự kiện tri ân, sinh nhật hoặc sale sản phẩm cuối mùa.

Để thực hiện chiến lược này mà tổng thể  không bị lỗ vốn, vẫn có lợi nhuận thì shop nên áp dụng chỉ với một số mặt hàng nhất định kèm theo một số điều kiện.

Ví dụ: Hóa đơn từ 1.000.000đ trở lên sẽ được mua áo phông với giá 99.000đ.

Trên đây là 4 phương pháp định giá phổ biến cho shop quần áo thời trang. Để việc kinh doanh thuận lợi, trôi chảy, bạn cần nghiên cứu ký thị trường, phân tích nhu cầu khách hàng mục tiêu, khách hàng tiềm năng để đưa ra mức giá phù hợp, thu hút được khách hàng mà vẫn thu được lợi nhuận.