Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?

 Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là thực lực và lợi thế mà doanh nghiệp có thể huy động để duy trì và cải thiện vị trí của mình với doanh nghiệp khác trên thị trường một cách lâu dài nhằm giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh tiêu thụ, thu được lợi nhuận ngày càng cao và cải tiến được vị trí so với các đối thủ trên thị trường.

 Vì vậy, năng lực cạnh tranh là vấn đề cốt lõi mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đặt lên hàng đầu và dồn mọi nguồn lực để nâng cao nó. 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần xác định rõ các thành tố ảnh hưởng tới nó để có chiến lược phù hợp.

Dưới đây là 5 thành tố quan trọng được cho là có ảnh hưởng quan trọng và quyết định đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

1. Nguồn lực tài chính

Một doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh là doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào

Được hiểu đơn giản thì nguồn lực tài chính là nguồn lực về vốn. Một doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh là doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào, đảm bảo huy động được khi cần thiết để đảm bảo cho hoạt động doanh nghiệp.

Nguồn lực tài chính là yếu tố rất quan trọng để đánh giá tiềm lực của doanh nghiệp mạnh hay yếu. Nó được đánh giá  Thông qua các nhóm chỉ tiêu đánh giá cơ cấu nguồn vốn, nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng thanh toán, nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả.

2. Nguồn lực con người

Nguồn lực con người là giá trị cốt lõi tạo nên năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Mọi hoạch định, chiến lược không thể thành công nếu không có con người.

Nguồn lực con người được đánh giá dựa trên cả số lượng và chất lượng nhân lực lao động doanh nghiệp, thể hiện qua trình độ, năng lực, khả năng linh hoạt, thích nghi với môi trường lao động, văn hoá doanh nghiệp cũng như sức khoẻ và tinh thần đoàn kết trong lao động.

Một doanh nghiệp nếu có nguồn lực lao động trung thành, tay nghề vững chắc, trình độ chuyên môn cao, sẵn sàng tăng ca và trải nghiệm thử thách mới thì chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu và kế hoạch mà doanh nghiệp đặt ra, đó chính là khởi phát của việc khẳng định vị trí và tiếp bước đi lên của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc nâng cao nguồn lực con người chính là phương pháp nâng cao năng lực năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

3. Thương hiệu

Thương hiệu là sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp, được gây dựng qua một quá trình lâu dài và bền bỉ bởi sự uy tín, chất lượng sản phẩm, thông điệp gửi tới khách hàng, văn hoá doanh nghiệp, giá cả hoặc hình ảnh sản phẩm…

Bởi vậy, với người tiêu dùng, khi đã quen thuộc với thương hiệu nào thì sẽ rất khó lựa chọn sang loại sản phẩm thương hiệu khác, nó dễ hình thành nên thói quen tiêu dùng cho họ. Việc chiếm được thiện cảm và sự ưu ái sử dụng sản phẩm theo thương hiệu gây dựng của khách hàng chính là lợi thế không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Có nó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngày một vững mạnh hơn, sản lượng tiêu thụ sản phẩm theo đó cũng ngày một tăng lên mà không cần quá nhiều chi phí đầu tư quảng cáo như doanh nghiệp chưa định vị được thương hiệu.

4.Marketing



Marketing là tập hợp, hệ thống các hoạt động quảng cáo, tiếp thị nhằm tạo ra, truyền tải, trao đổi các giá trị của thương hiệu, doanh nghiệp đến khách hàng, đồng thời quản lý quan hệ khách hàng bằng các phương thức khác nhau, tạo dựng mối liên hệ vững chắc giữa doanh nghiệp và khách hàng và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Vì vậy, chiến lược marketing có chất lượng càng cao, độ bao phủ càng lớn thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đó càng mạnh.

5. Cơ sở hạ tầng, công nghệ kỹ thuật

Đây là những phương thức, công cụ để tạo nên sản phẩm. Vì vậy, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, doan nghiệp cần phải lựa chọn công nghệ sản xuất phù hợp, thường xuyên đổi mới, cải tiến kỹ thuật, máy móc, thiết bị. Công cụ, thiết bị càng hiện đại, thông minh càng giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, hạ thấp được giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả khi kinh doanh. 

Trên đây là 5 thành tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh mà doanh nghiệp cần nắm vững để có phương án, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn và phát triển thương hiệu, đem lại lợi nhuận lớn cho mình.